Có những điều đã qua, dù trải mãi với thời gian, vẫn vô cùng tốt đẹp. Những thứ như thế, trên cõi đời nhiều lắm.
Cũng có những thứ, vì lý do nào đó, người ta đã cố quên đi bởi nó là kết quả sai lầm, là nỗi ám ảnh, là sự khiếp sợ đối với con người... thì sự khư khư ôm lấy nó của ai đó chỉ là sản phẩm từ đầu óc tăm tối, thủ cựu.
Cách mạng tháng 10 Nga và chủ nghĩa xã hội là một ví dụ.
Thứ tư tới, 7.11, tròn 95 năm cách mạng tháng 10 Nga. Theo cuốn lịch sử đảng cộng sản Liên Xô mà tôi được đọc, theo sự tuyên truyền của nhiều thế hệ tuyên giáo Việt Nam thì đó là cuộc cách mạng vô sản, giai cấp vô sản vùng lên tiêu diệt bọn tư bản lập nên nhà nước công nông, khởi đầu mô hình mới của nhân loại: xã hội chủ nghĩa. Tồn tại được 74 năm, sản phẩm của cách mạng tháng 10 đã tan rã, kéo theo sự sụp đổ của cái gọi là phe xã hội chủ nghĩa vào năm 1991. Đó là tất yếu lịch sử, dù muốn hay không cũng chả cản được. Người Nga, đại đa số, ủng hộ sự thay đổi vĩ đại này.
Nhiều năm trở lại đây, chính người Nga cũng không muốn nhắc lại cách mạng tháng 10, còn nếu có nhắc, họ gọi là sai lầm lịch sử, gây một quá khứ đau thương, phát triển trì trệ, ì ạch cho nước Nga. Những người cộng sản còn sót lại ở nước Nga, nhóm ông Gennady Ziuganov nếu có trương cờ, giăng biểu ngữ, tuần hành... lôi kéo được một số người thì chẳng qua cũng chỉ ăn mày dĩ vãng, dựa hơi quá khứ để trang điểm cho hiện tại của mình mà thôi. Nhưng, tôi nghĩ, đó chính là sai lầm của nhóm cộng sản Ziuganov, bởi hầu hết người Nga đã chán cộng sản và cái nhà nước-chế độ xã hội chủ nghĩa Xô viết đến tận cổ rồi. Chán hơn cơm nếp nát bắt ăn kèm thịt mỡ. Họ muốn quên nó đi càng nhanh càng tốt. Đối với họ, dịp kỷ niệm cách mạng tháng 10 mỗi năm chỉ là con số không tròn trĩnh, nhiều nơi trên đất Nga còn là số âm (bởi kèm theo lời nguyền rủa).
Hồi nhỏ, tôi đã được gặp những người Nga- Liên Xô, những chuyên gia trên trận địa tên lửa Mả Đò (xã Thụy Hương, huyện Kiến Thụy, HP) quê tôi. Đó là những chàng trai trẻ trung, tốt bụng sang giúp bộ đội ta đánh Mỹ. Sau này đi dạy học, tôi biết thêm những chị chuyên gia khoa Tiếng Nga cùng trường, các chị sồn sồn, ục ịch nhưng lúc nào cũng niềm nở, tươi tắn, dễ mến. Ấn tượng của tôi về người Nga rất đẹp, tôi kính mến, khâm phục, biết ơn họ. Thầm nghĩ giá như người Nga nào cũng như họ, chứ không phải là Stalin, Beria, Breznev... thì tốt biết bao, nhất là cho nước Nga, dân Nga. Giá như 74 năm ấy, nước Nga được phát triển tự do, không bị trói buộc vào hệ tư tưởng Marx-Lenin, được do chính những con người Nga đáng yêu tốt bụng như tôi từng gặp làm chủ thì có nhẽ bây giờ có một nước Nga mạnh mẽ, hùng cường đến thế nào.
Hình ảnh cách mạng tháng 10 sẽ chẳng được gợi chút gì đáng kể ở ngay chính nơi đã sinh ra nó. Người ta nhất quyết chôn vùi nó. Nhưng đấy là ở nước Nga. Còn tại xứ mình, lại nhớ trước năm 1991, cứ mỗi lần đến dịp kỷ niệm cách mạng tháng 10 bất kể năm chẵn lẻ, vui đáo để. Rộn rã từ cả tháng trước. Hình như không khí hội hè chỉ kém kỷ niệm quốc khánh 2.9. Có thế mới lấy được lòng bạn Nga, được hàng hóa vũ khí CCCP. Nhưng lạ là, ngay cả khi người Nga đã cố tình quên thì "người ta" vẫn cố tình nhớ. Giờ không rầm rộ hồ hởi như trước nhưng vẫn bắt nhau ôn lại không khí cách mạng, triển lãm tranh ảnh, hô khẩu hiệu "chủ nghĩa Mác-Lê Nin bách chiến bách thắng vô địch muôn năm", không hô to thì hô thầm. Bạn tôi làm quản lý ở một trường học bảo với tôi rằng từ mấy tuần trước người ta đã chỉ đạo năm nay trường phải kỷ niệm cách mạng tháng 10 ra sao, băng rôn, biểu ngữ thế nào. Còn chút dĩ vãng nhợt nhạt, yếu ớt, mỏng manh ấy mà không cố tôn lên, tô vẽ cho nó thì biết sống làm sao. Lẩn thẩn nghĩ, có nhẽ chả có xứ nào thích hai chữ "cách mạng" như xứ mình. Mà hình như chỉ còn nước mình (không tính Cuba, Triều Tiên, Lào) ưa hai chữ ấy. Cách mạng thực chất là phá bỏ, thay đổi, chém giết, vậy mà thời nay lúc nào cũng hô hào mọi người "phát huy tinh thần cách mạng", chả biết định phá cái gì, chém giết ai.
Thật tội nghiệp, Cái thứ mà người sinh ra nó đã vứt vào sọt rác lịch sử không thương tiếc thì vẫn có người bấu víu vào nhấm nháp cầm hơi để qua ngày đoạn tháng.
5.11.2012
Nguyễn Thông
- Blogger Comment
- Facebook Comment
Đăng ký:
Đăng Nhận xét
(
Atom
)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét