Chạy tội bằng nhận lỗi

BÁ TÂN
       Cảm ơn. Xin lỗi. Với nhiều người, đó là câu cửa miệng. Quan hệ người với người trở nên gần gũi hơn, tăng thêm phần thân tình từ những lời cảm ơn, xin lỗi đúng lúc, đúng chỗ, đúng cách.

       Thời buổi bây giờ cái gì cũng bị lạm dụng, kể cả lời xin lỗi. Thậm chí còn có hiện tượng chạy tội bằng… nhận lỗi.
       
       Va quệt nhẹ dọc đường, chưa gây ra hậu quả, chỉ cần giải quyết bằng cách xin lỗi. Cả 2 bên cùng thông cảm, vui vẻ cho qua. Trên các tuyến đường, nhất là các đô thị lớn, vào giờ cao điểm, va quệt nhẹ xảy ra không phải là ít. Biết xin lỗi, biết thông cảm là cách ứng xử tốt nhất.

       Tai nạn nghiêm trọng thì ngược lại. Có lời xin lỗi là cần nhưng không thể giải quyết hậu quả bằng lời nói suông. Phải đền bù thỏa đáng. Ngoài ra còn phải xử lý theo luật pháp. Nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng, không chỉ đền bù thiệt hại kinh tế, người gây ra tai nạn còn bị khởi tố và đưa ra truy tố. Cho dù là “con trời” khi gây ra tai nạn nghiêm trọng cũng không thể giải quyết bằng lời xin lỗi là hết chuyện.
      Thương trường và chính trường không chỉ tồn tại nhiều va quệt nhỏ, mà còn có những “tai nạn” nghiêm trọng do chủ quan gây ra. Mức độ sai phạm đòi hỏi phải truy cứu trách nhiệm bằng luật pháp và những quy định của đảng. Các điều khoản có thừa nhưng ít được thực hiện hoặc thực hiện không nghiêm. Thay vào đó chỉ là lời xin lỗi. Xin lỗi đúng chỗ, đúng cách, đúng mức là cách ứng xử có văn hóa. Còn mượn lời nhận lỗi che đậy sai phạm, chối bỏ trách nhiệm là sự giả dối, không thể chấp nhận. Tôi sực nhớ một vụ việc vừa xảy ra cách đây chưa lâu. Hôm đó, tại khu vực trung tâm Hà Nội, xảy ra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Người đi đúng phần đường, bị chết ngay tại chỗ. Kẻ lấn đường gây tai nạn, khệnh khạng bước xuống xe buông ra mấy lời xin lỗi rồi định biến. Xe của gã ta vừa lăn bánh, từ ba bề bốn bên, người dân ập đến. Thủ phạm gây tai nạn vừa mở cửa xe, thế là mọi người kéo nó xuống, có những người còn cầm cà vạt lôi xềnh xệch gã y như cầm dây thừng lôi trâu ra khỏi chuồng. Dân ta là vậy. Khi hiền thì thật hiền (thậm chí còn nhu nhược). Khi đã vùng lên thì mọi thế lực đều phải khiếp sợ sức dân.

      Tự gây ra sai phạm hoặc để cho thuộc cấp gây sai phạm lớn thì phải chịu trách nhiệm và phải xử lý về mặt trách nhiệm. Đó là lẽ đời, chưa nói đến luật pháp và quy định của đảng.

        Sai phạm gây hậu quả nghiêm trọng mà chỉ nhận lỗi cho qua chuyện, về thực chất đó là cách chạy tội. Dù có bị đè nén đến đâu cũng không thể tâm phục, khẩu phục. Đừng trách lòng dân không yên. Đừng hỏi vì sao kỷ cương phép nước bất ổn.
        Lời xin lỗi không phải vị thuốc vạn năng. Khi cố ý sử dụng sai, vị thuốc này có phản ứng phụ rất mạnh và cực kỳ tác hại.
Bá Tân
Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét